Hướng dẫn set up bể bán cạn

Trọn bộ phụ kiện bán cạn chính hãng MIUS:

  • Hồ bán cạn MIUS 67x52x90
  • Bộ máy phun sương MIUS 4 bec ver2 nhỏ gọn siêu mịn.
  • Đèn led MIUS chuyên dụng bể bán cạn.
  • Foam đen và nâu MIUS.
  • Vỉ nhựa dựng backround
  • Lưới giữ ẩm Hygrolon
  • Súng bắn foam chuyên dụng.

 

Dưới đây là quá trình setup hồ của bạn Ngô Quyền. khách hàng thân thiết của shop...Cám ơn bạn đã có những chia sẽ chi tiết và chu đáo cho anh em hiểu rõ hơn về quá trình set up 1 bể bán cạn là ntn.

Hồ bán cạn số 2:”Jungle Breeze”

Hồ : 65x50x90 cm (293 lít)
Đèn : Led Luxeon Mius 84W
Lọc : Dùng lọc trong hồ bằng bơm Atman 103 25W 1300L/hr + bông lọc & vật liệu lọc Matrix tạo suối
CO2 : không
Cây : Một nùi mấy chục loại không thể nhớ hết gồm các loại dương xỉ, rêu, trầu bà, begonia, fitonia, các giống cây leo...
Phong cách : rừng mưa nhiệt đới
Ngày set hồ : 02/10/2017
Ngày lật hồ : chưa tới
 

Với tinh thần “nếu không thể xây được một ngôi nhà trong rừng với suối chảy róc rách bên nhà thì tại sao lại không mang một góc rừng và dòng suối ấy vào trong ngôi nhà của mình?”, tớ đã quyết định bắt tay vào thực hiện ý tưởng đem 1 góc rừng già về ngay tại gia. Trước tiên là giai đoạn nghiên cứu kiến thức. Phải nói là tại thời điểm hiện tại thì kiến thức cũng như các tay chơi bán cạn hệ kín ở Việt Nam rất ít và hầu như tất cả đều đang bắt đầu ở giai đoạn thực hiện những cái hồ đầu tiên do phong trào này hiện vẫn còn khá mới. Thế là ngồi lân la khắp các diễn đàn bán cạn thế giới mất vài tháng cũng thu thập được một số kinh nghiệm và quyết định bắt tay vào làm. Việc đầu tiên là phải sắm một cái bể thật chuyên dụng. Rất may là ngay lúc @Le Nguyen Dinh Thi cũng đang manh nha ý định nhập 1 số phụ kiện bán cạn về VN bán để gây dựng phong trào, thế là trở thành khách hàng đầu tiên đặt hồ và các phụ kiện của Mius. Cùng chiêm ngưỡng quả hồ đẹp lung linh và ít quảng cáo cho trangphukienbancan.com của ông chủ tí nào :))

Sau đó thì tiếp tục thu thập đá, lũa và cây cối (quá trình này cũng phải mất cả tháng trời). Trong ảnh là ít đá vừa được xịt rửa vệ sinh trước khi cho vào hồ

 

Sau khi đã tập kết vật liệu đầy đủ thì bắt đầu lên ý tưởng. Thực ra ngay từ lúc chuẩn bị làm thì tớ đã có ý tưởng là sẽ tái hiện cảnh 1 gốc cây già bên dòng suối róc rách với cây cỏ rêu phủ hoang sơ nên lúc đi tìm lũa đã kiếm đc 1 khúc lũa bằng gỗ trắc khá ưng ý cho ý tưởng này

Bây giờ là giai đoạn bắt tay vào set up hồ. Phải nói đây là giai đoạn cực khổ nhất vì nếu set up 1 hồ thủy sinh chỉ mất vài tiếng thì việc set up layout cho hồ bán cạn này ngốn hết của tớ cả 1 tuần. Cứ tối nào đi làm về là cũng lao vào làm, T7 và CN thì làm full time từ sáng tới chiều mới xong. Mặt khác với bố cục vừa có phần nước & vừa có phần cạn trên bờ, lại thêm dòng suối chảy nữa thì lượng công việc chuẩn bị cấu trúc hồ lại càng tốn thời gian hơn. Và cũng là để lưu lại các bước cụ thể cho các anh em đi sau dễ mường tượng và đúc kết kinh nghiệm, tớ đã chụp lại rất kỹ các bước cho anh em theo dõi. Trước tiên sẽ là phần chuẩn bị ống đi bơm cho suối. Mục đích của ống này là để khi nhét bơm vào hồ tạo suối, trong trường hợp bơm có xảy ra vấn đề gì thì chúng ta có thể thọc tay vào và lấy bơm ra thay thế được. Bên cạnh đó, đây còn là khung để tạo 1 bộ lọc cho bơm và tự tạo nên 1 hệ thống lọc cho phần nước trong hồ mà không cần phải dùng đến lọc ngoài như hồ thủy sinh. Việc tạo khung cho hồ sử dụng các lưới nhựa màu đen với dây rút nhựa đơn giản như hình (khuyến cáo các bạn khi thực hiện làm cần có đầy đủ đồ nghề như trong hình thì sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm)

Tiếp theo là công đoạn chuẩn bị các cọc đỡ cho dàn nền hồ. Ở đây mình sử dụng ống PVC, dùng kéo cắt ống cắt ra các đoạn với độ cao bằng nhau như hình

Sau khi cắt ống thì phần chân dưới sẽ được cắt các lỗ như hình, mục đích là để dòng nước có thể dễ dàng đi qua các chân trụ này mà không bị cản dòng hay tạo bọng khí bên trong chân trụ. 

Do hồ mình làm sẽ có 2 tầng đáy, 1 tầng đáy nước và 1 tầng đáy khô cho đất. Ở đoạn giao thoa giữa 2 tầng sẽ có thêm 1 hệ thống chân trụ khác tuy nhiên hệ thống này tiếp xúc với 1 lớp lưới nhựa và không bị bịt kín mặt đáy như phần chân trụ tiếp xúc mặt kính lên mình cũng chỉ khoan 1 số lỗ cho nước dễ dàng lưu thông qua chứ ko cần cắt như hệ thống trụ dưới. 

Hì hục 1 lúc thì cũng xong hệ thống trụ đỡ. Khuyến cáo các bác nên có công cụ máy khoan cắt làm sẽ nhanh và dễ hơn chứ làm bằng cưa tay và đục thì cũng khá chua đấy :)) 

Sau khi đã chuẩn bị xong thì đến phần làm sàn (hay như bọn nước ngoài nó gọi là false bottom). Nguyên tắc cũng như trong xây dựng làm giàn dáo đổ sàn. Mục đích chính của sàn ở đây là để phân tách phần đất ở trên và nước ở dưới, tránh cho rễ cây cạn khỏi bị úng nước và đồng thời cũng tạo dòng nước lưu thông bên dưới đáy hồ thoáng hơn. Ở đây mình sẽ có 2 dàn như đã nói là 1 dàn dưới và một dàn trên với mục đích là tạo độ dốc sàn. Các bạn có thể làm 1 sàn duy nhất để tách bạch phần nước và phần đất ở trên cũng được. Mình thì muốn làm cho đẹp dạng bậc thang để vào bố cục cho dễ nên chơi 2 sàn cho màu mè thế thôi =))

Phần bơm bên trong trụ được lót bông lọc xung quanh mục đích là để ngăn không cho bụi bẩn bị hút vào bơm gây tắc bơm, đồng thời cũng là 1 lớp lọc vi sinh vì sau 1 thời gian dòng nước đi ngang bông lọc sẽ dần hình thành hệ vi sinh lọc nước tương tự như nguyên tắc của các lọc thủy sinh thông thường.

Cận cảnh bộ sàn tốn khá nhiều thời gian của mình. Ở bộ sàn nước mình còn làm thêm phần chặn xung quanh để bọc lưới ngăn rác và các chất bẩn khỏi bị hút vào khu vực bơm nước. Không nói điêu chứ mày cẩn thận vl ra đấy Quyền ạ!=)) 

Sau khi đã xong phần giàn giáo thì bước tiếp theo là cần vào lũa set bố cục trước khi xịt foam vào cố định và tạo background. Nhìn cũng nghệ phết rồi đấy :))

Tiếp theo là chuẩn bị các cốc trồng cây với ống thoát nước để đặt lên background thế này 

Sau đó thì lên đạn chuẩn bị cho giai đoạn chơi dơ tiếp theo: xịt foam tạo background. Ở đây mình sử dụng foam Mius màu nâu để phun background

Để có thể phun background thì phải đặt hồ nằm xuống vì foam không bám vào bề mặt dựng đứng mà sẽ chảy xuống nên nhất định phải xịt theo hướng từ trên xuống dưới. Với các hồ lớn thì họ có thể sử dụng tấm lưới nhựa xịt backround ở ngoài sau đó dán vào thành hồ cũng được nhưng như vậy rất khó nhìn được bố cục, đặc biệt là khi xịt 2, 3 mặt. Do đó nếu có thể thì các bạn nên hạ hồ xuống xịt thế này là tốt nhất.

Đầu tiên là xịt 1 mặt trước, đồng thời cũng đặt các cốc nhựa, các khúc lũa bố cục lên để xịt luôn 1 thể.

Sau khi mặt kia khô cứng lại thì lật mặt còn lại lại và xịt tiếp để hoàn thành background. Nhìn cái background lúc này chả khác gì một đống shit khổng lồ =)) 

Lại vào lũa và sàn để nhìn tổng thể bố cục lần nữa, ưng con mắt rồi thì mới làm tiếp.

Tiếp theo là đến phần phủ background. Mục đích của phần này là để tạo cho bề mặt background có thể giữ ẩm tốt nhằm cấy rêu và các loại cây cối lên. Theo phương pháp truyền thống của dân chơi bán cạn thì mọi người hay bôi silicon đen rồi phủ sơ dừa lên. Tuy nhiên chơi trò này rất bẩn và độ giữ ẩm cũng không ngon bằng chơi lưới mút hygrolon. Do đó, mình sử dụng lưới hygrolon cho mục đích này, vừa sạch vừa giữ ẩm tốt hơn. Cách phủ thì cứ bôi silicon lên rồi dán lưới vào. Tuy nhiên quá trình thực hiện thì cũng chua cay và ngốn hết của mình cả 1 buổi chiều vì công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ khá cao.

Sau khi đã xong hết phần background thì lúc này đến phần vào sàn. Trước tiên là dùng silicon dán các trụ đỡ chính vào đáy hồ

Tiếp theo là đến phần thiết kế lọc cho hồ. Như lúc nãy đã làm 1 lớp bông lọc quanh bơm cho việc lọc bụi và tạo 1 lớp vi sinh. Tuy nhiên chỉ bông lọc không thì không đủ lượng vi sinh cần thiết để xử lý lượng nước của hồ dự kiến khoảng 50 lít nước. Do đó mình đã sử dụng thêm 2 lít vật liệu lọc Matrix cho mục đích lọc nước. Bỏ vật liệu lọc vào các túi đựng vật liệu lọc chuyên dụng của JBL. 

Sau đó buộc các túi vật liệu lọc vào quanh khu vực bơm thế này. Khi bơm hút nước thì dòng nước sẽ di chuyển đi qua lớp vật liệu lọc và từ đó hình thành hệ vi sinh trong vật liệu lọc, xử lý các chất có hại và làm trong nước tương tự như nguyên lý của hệ thống lọc rời hồ thủy sinh. Đương nhiên là về lý thuyết thì thiết kế dòng chảy ngang và không kín hoàn toàn dạng này không thể tối ưu được như lọc rời với dòng chảy kín thẩm thấu ngược nhưng theo mình nghĩ thì cũng đạt được công suất lọc khoảng 60% - 70% so với lọc rời. Từ đó giảm thiểu được việc phải sử dụng thêm lọc ngoài cho hồ rất rườm rà.

Sau khi đã hoàn tất phần lọc thì tiếp tục set up phần giàn đáy với lưới bọc để ngăn không cho các bụi bẩn lớn đi vào khu vực nước quanh lọc.